Cao chưa đầy 1 m, nặng hơn 13 kg, thoạt nhìn nhiều người lầm tưởng Cảnh Chi Khánh là cậu bé học lớp 1 nhưng đó lại là sinh viên lớp Tin 2, K56, ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Mất ý chí là mất tất cả
"Sức khỏe em không được tốt, nhiều lần ốm nặng em cũng nghĩ đến phải nghỉ học. Nhưng em lại nghĩ nếu mất ý chí là mất tất cả, mình phải chiến thắng từ cái nhỏ nhất thì mới mong làm được cái lớn hơn sau này", Khánh tâm sự.
Sinh năm 1989 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thuý Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội), Khánh là con út, trên Khánh có hai chị gái và một anh trai. Anh trai Khánh là Cảnh Chi Long, cậu sinh viên "tí hon" ĐH FPT Hà Nội. Long cao 1m15, nặng 24 kg. Hằng ngày, hai anh em Khánh, Long tự lo liệu mọi vệc, từ đi chợ, nấu nướng cho đến giặt quần áo...
|
Cảnh Chi Khánh trên đường đi học. |
Bé như... "cái kẹo", quần áo màu sắc, kiểu dáng lại rất giống với những "cu cậu" lớp 1, nên Khánh thường được mọi người gọi tên trìu mến "tí hon". "Nhiều người gặp ngoài đường không tin em là sinh viên ĐH mặc dù em có chứng minh thế nào".
Hai anh em Khánh trọ trong một xóm trọ nhỏ, phía sau Bệnh viện 19/8. Căn phòng nhỏ vỏn vẹn 8m2, chỉ đủ kê một cái gường một và một bộ máy vi tính. Tôi hỏi, hai anh em mà chỉ có một cái gường bé thế này làm sao ngủ được. Khánh cười bảo: "Mấy hôm nay trời nóng thì vừa đẹp, chứ mùa đông hai anh em co lại, gường vẫn rộng thoải mái ấy chứ". Thế mới biết Khánh và Long bé đến mức nào. Khánh nhanh nhẹn rót cho tôi cốc nước, giọng em trầm xuống khi kể về tuổi thơ của mình. "Khi sinh ra em cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nặng gần 3 kg, ăn uống bình thường. Lúc hơn một tuổi, mẹ em bảo em cũng bụ bẫm lắm, nhưng không hiểu sao từ khi lên ba tuổi em không lớn nữa. Khi 10 tuổi em chỉ cao có 80 cm", Khánh trầm buồn kể lại.
Khánh cho biết, em bị chứng bệnh giống như anh Long, nhưng Long cao hơn, cân nặng và sức khỏe ổn định hơn.
Thương con, gia đình ông Cảnh Chi Đan, bố của Khánh đã đưa hai anh em đi khắp nơi tìm thầy chữa bệnh nhưng cả thầy thuốc, thầy lang đều "bó tay". Bác sĩ cho biết cả Khánh và Long đều mắc chứng bệnh truỵ liệt tuyến yên, nên không sản xuất ra được các hoóc môn sinh trưởng. Từ lúc 10 tuổi đến nay, Khánh chỉ cao thêm được 15 cm, Long cao thêm được 26 cm."Biết bệnh của em không chữa được, dù không nói ra nhưng bố mẹ em buồn lắm. Những lúc ốm đau, em thấy mọi người khổ vì em quá. Đi học bị các bạn trêu chọc, nhiều lúc em cũng chán nản nhưng được sự động viên, quan tâm của bố mẹ, anh chị, thầy cô em đã vượt qua" ."Tí hon" mơ làm việc lớn
Vào lớp 1 khi đã 8 tuổi, nhưng rồi Khánh cũng lần lượt tốt nghiệp tiểu học, THCS, THPT. Những năm học trung học, do trường xa, nên bố mẹ hoặc chị gái phải đưa đón và thi thoảng đi nhờ xe các bạn. Mặc dù vậy, từ lớp 1 đếm lớp 9, Khánh luôn đạt học sinh khá giỏi. Vì bé quá, nên em thường được "đặc cách" qua môn thể dục. Không có thể hình, sức khoẻ để chơi thể thao với các bạn cùng trang lứa, những lúc ra chơi Khánh thường chơi đá bóng với các em lớp dưới. Dù vậy, Khánh vẫn lọt thỏm trong đội hình đàn em ít hơn mình tới 4 - 5 lớp. Khánh bảo, em rất thích môn bóng đá, còn cầu thủ thích nhất là cầu thủ Ronaldinho.
|
Cậu sinh viên "tí hon" ước mơ trở thành ông chủ cửa hàng thiết kế website. |
Có một kỷ niệm mà Khánh không bao giờ quên là hôm lên trường nhập học. "Hôm đó, thấy em đi ra, đi vào trước phòng làm thủ tục nhập học, nên các thầy hỏi: Cháu đi nhập học cùng anh à? Chịu khó đứng ở ngoài chờ nhé! Sau khi em đưa giấy nhập học cho các thầy xem, các thầy cô gọi em vào hỏi han và xin lỗi em", Khánh cười nhớ lại.
Nói về kinh nghiệm học của mình, Khánh chia sẻ, chủ yếu học thuộc trên lớp là chính. Còn học ở nhà thì xem lại bài cũ và làm bài tập nâng cao. Thời gian rảnh rỗi, Khánh thường xem thời sự, nghe nhạc, chơi với con trẻ và giúp bố mẹ các việc vặt.
Khánh nói, để có được ngày hôm nay ngoài sự nỗ lực của bản thân, bố mẹ, chị gái, nhất là anh trai luôn là tấm gương để em noi theo. Anh Long sống rất tình cảm và học rất giỏi. Hiện cả Khánh và Long đều học khoa lập trình máy tính. "Em rất muốn sau khi ra trường sẽ được làm việc cho một công ty nào đó. Nếu không, hai anh em sẽ vay mượn để mở một cửa hàng chuyên bảo trì, thiết kế website...", Khánh nói về ước mơ của mình.
Ông Cảnh Chi Đan, bố của Khánh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên từ những năm 1970. Năm 1976 thì phục viên trở về quê sinh sống. Năm 1980, ông sinh con gái đầu lòng Cảnh Thị Oanh hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng Long và Khánh bị nhiễm di chứng chất độc da cam. Long, Cảnh và bác Đan hiện hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam.
"Hai em không được phát triển "bình thường" như các bạn khác. Nhưng còn may là trí não của em không đến nỗi nào. Khánh mới học năm đầu nên chưa biết, còn Long năm nay tốt nghiệp rồi, năm nào cũng đạt học lực khá" - bác Nguyễn Thị Quý, mẹ của Khánh, nói.Bà Nguyễn Thị Thu, cán bộ phòng công tác học sinh, sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết: "Khánh là một sinh viên rất ngoan và chịu khó học hỏi. Tuy sức khỏe không được tốt, nhưng Khánh rất tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp. Nghị lực vươn lên của em, rất đáng để các bạn học sinh, sinh viên noi theo".
Theo Zing