Chủ nhật, 08-12-24
Kẻ nào không muốn cúi xuống lượm một cây kim thì không đáng có một đồng bạc.
RSS Xin chào Khách | Đăng ký | Đăng nhập
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Blog Diễn đàn Ảnh Phần mềm Lưu bút
MENU
THỂ LOẠI
LIÊN KẾT NHANH
XEM NHANH
TIN NGẪU NHIÊN
THỐNG KÊ TRUY CẬP





Tổng số online: 1
Khách: 1
Thành viên: 0
THỐNG KÊ BÀI VIẾT
- Bình luận: 56
- Diễn đàn: 232/258
- Ảnh: 140
- Blog: 22
- Tin tức: 221
- Download: 4
- Games: 300
- Hỏi đáp: 3
- Lưu bút: 52
Tin tức » 2010 » Tháng 6 » 16 » Giấc mơ ĐH của người đàn ông mù
8:38 AM
Giấc mơ ĐH của người đàn ông mù

Ngôi nhà nhỏ ở số 158 Vũ Hữu (Hà Nội) nằm giữa một con phố cũng nhỏ. Nhưng dưới mái nhà ấy có một con người với ý chí rất lớn. Từ bé đã bị mù cả hai mắt, năm nay ông đã ngoài 50 tuổi mà vẫn đeo đuổi giấc mơ học Đại học.

Chúng tôi có mặt tại ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Công vào một buổi chiều mùa hạ. Do đã hẹn trước, nên khi tôi đang loay hoay không biết dựng xe vào chỗ nào trong con ngõ hẹp của phố Vũ Hữu thì một người phụ nữ trạc tuổi trung niên đã đon đả chạy ra hướng dẫn, rồi đưa chúng tôi vào nhà. Người phụ nữ ấy là Hồng Nguyệt Linh, vợ của ông Nguyễn Tiến Công.

Căn nhà có diện tích khoảng hơn 20m2, song tôi cảm thấy hình như nó rộng quá, cứ trống huếch trống hoác ra vì chỉ có mỗi một cái bàn và hai cái ghế kê ở góc nhà. Chị Linh sau khi rót nước mời khách thì ngồi vào dạy cháu Hồng Anh (con trai chị) tập tô màu - trông lại càng cô liêu hơn. Ít phút sau một người đàn ông bước thoăn thoắt từ căn gác xép xuống, không ai dám nghĩ là ông bị khiếm thị.

Vì đang dở công việc, cũng là giữ trật tự cho con học bài, ông Công mời tôi lên căn gác. Giữa phòng là một chiếc bàn, trên có chiếc cassette hiệu Sony 2 cửa băng cổ lỗ sĩ. Cạnh đó là chiếc máy tính xách tay Fujitsu vỏ xước xát khắp nơi, bàn phím thì khuyết cả chục phím cái còn cái mất.

Giấc mơ ĐH của người đàn ông mù

Giúp con học tập là niềm vui lớn của ông Công.

Sử dụng máy tính bằng... tai!

"Tôi mua cách đây lâu lắm rồi. Khi ấy nó đáng giá cả một gia tài đấy. Tôi có biết nó xấu đẹp thế nào đâu, chỉ biết là mình có thể gõ lóc cóc và phát ra tiếng là được rồi. Dùng được một thời gian thì không hiểu sao các phím cứ thi nhau rơi rụng, tôi phải mua chiếc bàn phím từ một chiếc máy tính để bàn đem thế vào đó" - Ông Công phân trần.

Thật ra chuyện người mù biết dùng máy tính không phải là điều gì quá mới mẻ trong xã hội hiện đại. Song với một người đã bước vào tuổi "tri thiên mệnh", lại sử dụng chiếc laptop một cách trơn tru không cần phải dùng chuột (mouse) mà chỉ sử dụng bàn phím thì có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến.

Ông Công rất hào hứng giới thiệu về chiếc máy tính của mình. "Anh nghe nhạc nhé" - ông nói. Thế là chương trình Window media player hiện ra. Sau tới các giáo trình của chương trình đại học ông đang theo học, những phần mềm ứng dụng... cũng lần lượt được giới thiệu. Mà các thư mục trong máy tính của ông được sắp xếp rất gọn gàng, khoa học.

Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên trước trình độ máy tính của mình, ông Công kể. Trong một lần đến nhà người bạn chơi, nghe anh này gõ máy tính loách choách, ông liền đề nghị bạn dạy cho mình. Người bạn thấy lạ, mới hỏi: "Anh không nhìn thấy những gì đang hiện trên màn hình thì học làm sao được?". "Tôi không nhìn được nhưng mà nghe được. Rồi tôi sẽ mày mò, thế nào chả có cách học được" - ông Công tự tin trả lời.

Vậy là, cứ một tuần ba buổi ông Công lọ mọ đến nhà người bạn nhờ dạy máy tính. Trước hết là phải học thuộc được các ký tự trên bàn phím. "Đầu tiên tôi sờ vào phím Esc và hỏi đây là phím gì? Sau khi biết được nó là phím Escape (dùng để thoát khỏi một chương trình đang chạy) thì tôi hỏi bên cạnh nó là phím gì, phía dưới nó là phím gì". Cứ như vậy, ông Công dần dần học thuộc được hơn 100 phím trên bộ bàn phím.

Học lý thuyết đã tạm ổn rồi, đến phần thực hành thì mới thực sự là một trở ngại cho người đàn ông giàu nghị lực này. Đang không biết xử trí thế nào thì một người bạn khác đến cài cho ông phần mềm JAWS (Job Access With Speech - chương trình đọc màn hình chạy trên hệ điều hành Microsoft). Nó sẽ đọc lại các thao tác mà mình đang thực hiện, tuy nhiên hoàn toàn là bằng tiếng Anh, mà đọc rất nhanh. Cho dù có trình độ ngoại ngữ đại học nhưng tôi cũng phải khá vất vả mới nghe hiểu được nội dung của các câu lệnh, thế mà ông Công cứ vừa nghe vừa gõ phím nhoay nhoáy.

Lạ một điều ông Công hầu như chưa được học ngoại ngữ một cách bài bản bao giờ. Ông hoàn toàn "học mót" từ bạn bè. "Tôi cứ lắng tai nghe máy đọc, rồi làm theo thôi. Mấy lần đầu thì tôi nhờ bạn giải thích câu ấy nghĩa là gì. Dần dần rồi quen thuộc đến lúc thao tác không sai bước nào".

Giấc mơ ĐH của người đàn ông mù

Mặc dầu tiếp xúc với máy tính muộn song trình độ tin học của ông Công là rất đáng nể.

Nhớ lại những ngày học máy tính, ông Công bảo cũng nhờ người vợ hết mực hiền thảo mà ông đã từng bước vượt qua được khó khăn. Bao nhiêu việc nhà, chăm sóc con nhỏ chị đều giành về phần mình. Đôi khi ông Công cũng thấy chán nản vì gõ mãi không xong một văn bản có mấy trăm chữ, chị Linh lại đến bên động viên. "Mình cứ cố gắng tập nay nhớ một hai phím, mai lại nhớ thêm vài phím khác dần dần sẽ thuộc được cả thôi. Bao nhiêu thử thách trong cuộc đời mình còn vượt qua được, việc làm chủ chiếc máy tính đâu phải là việc gì quá khó khăn".

Có một điểm rất đặc biệt nữa là với ông Công nói riêng và người mù nói chung, họ sử dụng máy tính mà hiếm khi (không muốn nói là không cần) sử dụng con chuột. Thực tế có không ít những người sau khi học xong chương trình tin học văn phòng, thậm chí nhiều công chức làm việc 8 giờ đồng hồ/ngày cùng với máy tính song nếu thiếu mất con chuột thì họ cực kỳ khó xoay sở, không muốn nói là... bó tay, không sử dụng nổi. Thế nhưng nhìn 10 ngón tay ông Công lướt trên bàn phím một cách tự tin, không chút ngập ngừng tôi thực sự cảm thấy như những ngón tay ông "có mắt".

"Tuổi thơ dữ dội"

Sinh năm 1958 tại Đức Hương (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cậu bé Nguyễn Tiến Công có một tuổi thơ đau khổ. Mẹ mất sớm khi Công mới được 5 tháng tuổi, cha đi lấy vợ hai. Quả đúng như người ta nói, "mấy đời bánh đúc có xương...", cậu bé Công từ lúc biết đi, biết chạy đã phải chịu biết bao sự cay nghiệt của người mẹ kế.

Công không được đi học mà bị bà ta bắt phải làm đủ mọi việc, từ việc nhà cho tới việc đồng áng. Quanh năm suốt tháng người ta chỉ thấy một cậu bé gày gò, ốm yếu cứ lầm lũi làm mọi việc do mẹ kế sai bảo.

Năm 13 tuổi, vào một buổi trưa hè năm 1972, Công dắt trâu đi chăn thì bị tai nạn. "Lúc ấy tôi chỉ thấy một quầng sáng lóe lên, rồi thì xương thịt con trâu bắn tung tóe... và không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong trạm xá, hai mắt tối thui không nhìn thấy gì cả" - ông Công kể.

Ít lâu sau thì Công được xuất viện trở về nhà. Bà mẹ ghẻ vốn đã không ưa cậu bé, nay thấy bị tàn tật như vậy thì lại càng cay nghiệt gấp bội phần. Từ chỗ có thể giúp bà ta chăn trâu cắt cỏ, rồi cấy hái, đào củ sắn, củ khoai... giờ Công chỉ có thể quanh quẩn ở nhà, việc nấu cơm quét nhà cũng trở nên khó khăn rất nhiều.

Một đận, bà mẹ kế kiếm được đâu một mớ gạo, bảo Công nấu cơm. Ai ngờ chỗ gạo ấy nhiều sạn quá, mắt mũi Công thì như thế, làm sao biết mà nhặt cho hết. Thế là bà ta chửi Công tàn tệ, rằng: "Đồ ăn bám, không được tích sự gì, là của nợ...".

Uất ức, cậu bé Công chỉ biết chạy ra ôm mộ mẹ mà nức nở hàng giờ liền. Thế rồi trong đầu óc non nớt của cậu nảy ra ý định... quyên sinh. Nhưng khi vừa dợm bước xuống dòng sông quê, làn nước như ôm ấp, vỗ về... cậu bé thiệt thòi bỗng nảy ra ý nghĩ phản kháng thật mạnh mẽ. "Chết thì quá dễ, sống được mới là khó". Thế là Công bỏ ý định tự tử. Không biết cậu nghe ai nói ở ngoài Hà Nội có trung tâm cho trẻ mồ côi, thế là cậu bé chưa một lần ra khỏi lũy tre làng quyết tâm tìm đường ra Hà Nội.

Công tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Nội (Mỗ Lao, Hà Đông) và may mắn được nhận vào đây. Thế là Công có một gia đình lớn, cậu được dạy chữ, nhưng một vấn đề là lấy tiền đâu để mua sách vở, bút mực. Công nghĩ ra một cách, nhờ bạn bè dẫn ra hồ, ao gần trung tâm bảo trợ xã hội để bắt cua, ốc, trai, hến... bán lấy tiền. Cũng đôi lần cậu dùng đó để bắt cá, song chủ yếu là bắt cua và dận trai. Công chủ yếu là tự học ở nhà, đến kỳ thì đi thi. Thế mà Công lần lượt tốt nghiệp tiểu học, rồi trung học cơ sở. Trong quá trình học tập tại trung tâm bảo trợ, Nguyễn Tiến Công từng tham gia thi học sinh giỏi toàn miền Bắc của người mù và giành giải nhất.

Cũng tại đây ông học được rất nhiều nghề từ làm đinh, tăm, đánh bóng phụ sơn, nắm than tổ ong, đánh bóng khung xe đạp, đóng gói bánh kẹo... Sau đó, Công được Hội Người mù thành phố giới thiệu tới làm tại một công ty cao su. Anh cũng may mắn được phân một căn nhà tại khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2000, ông bán căn nhà đó đi để mở công ty phát triển việc làm nhân đạo. Nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm công ty hoạt động một thời gian thì bị phá sản.

Thắp sáng niềm tin

Chuyện mở công ty không thành, lại lấy đi của ông gần như cả số tiền dành dụm ít ỏi. Thế nhưng, ông trời cũng không nỡ lấy của ai tất cả. Ông gom góp vay mượn mở một trung tâm xoa bóp bấm huyệt tại gia. Khi trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động, ông Công nhờ bạn bè tìm giúp một người có thể giúp quản lý sổ sách. Sau khi làm ở trung tâm được một thời gian, chị Hồng Nguyệt Linh (nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội) cảm động trước nghị lực vượt khó và tấm lòng bao dung của người chủ đã quyết tâm trao thân gửi phận.

Giấc mơ ĐH của người đàn ông mù

Người đàn ông mù mày mò sửa chữa máy tính, quyết tâm theo học đại học.

Quyết định của chị không tránh khỏi những lời ong tiếng ve. Bạn bè, người thân lo lắng: "Mình rõ là gái Hà Nội, mà phải đi lấy người ngoại tỉnh, lại đang mù dở. Tuổi tác của hai người cũng chênh lệch nữa...". Kẻ xấu bụng thì đặt điều: "Chắc là nó bỏ bùa ông mù, "đào mỏ" xong là nó "té" chứ yêu đương gì". Chị Linh mặc kệ, nhất quyết theo ông Công. Ngày 22/12/2002, một đám cưới đầy cảm động giữa Nguyễn Tiến Công với chị Hồng Nguyệt Linh đã diễn ra. "Có bao nhiêu tiền ky cóp trong mấy năm làm lụng, rồi tiền bạc cha mẹ cho, tôi đều góp cùng anh Công hết, chứ nào có đem được về nhà đồng cắc nào" - chị tâm sự.

Trong những ngày trầy trật mưu sinh, khao khát được học lên cao lúc nào cũng đau đáu trong tâm trí ông. "Chỉ có học hành, tri thức mới giúp mình lấy lại được ánh sáng của cuộc đời" - ông luôn dặn mình như vậy. Thế nên, năm 2000 khi đã ngoài 40 tuổi, ông Công lại cắp sách đi học THPT ở Trường Nguyễn Văn Tố.

Thế rồi mấy năm học THPT cũng nhanh chóng trôi qua, lúc nhận bằng tốt nghiệp, ông nghĩ: "Thời buổi hiện tại thì tấm bằng này cũng gần như chỉ bằng... xóa mù", thế nên ông nộp đơn thi vào Trường đại học Luật Hà Nội, hệ đào tạo từ xa.

Lúc bấy giờ cháu Nguyễn Hồng Anh (con trai ông) còn rất nhỏ, bạn bè ông ai cũng khuyên, nên đợi cháu lớn hơn một chút rồi đi học cũng chưa muộn. Thế nhưng ông vẫn quyết tâm thi và đỗ. Học được một thời gian thì bố ông già yếu và mất. Ông Công về quê chịu tang cha, lại đúng vào kỳ học quan trọng nên sau quay lại thì không theo kịp. Thế là ông xin bảo lưu kết quả, chờ tới khi có điều kiện thì sẽ xin theo học tiếp."

Có khi nào bác cảm thấy nản lòng trước những khó khăn của cuộc sống không ạ?" - tôi hỏi. "Cũng đôi lúc cậu ạ. Tỉ như công ty mình thành lập phải đóng cửa, hay khi cháu nó muốn được đi công viên như các bạn mà mình không thể đáp ứng chẳng hạn. Thế nhưng tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống".

Nói đến đây, bất chợt ông quay ra: "Hồng Anh lại đây bố dạy hát cho nào". Té ra cậu con trai 5 tuổi của ông đang thập thò ngoài cửa, nghe tiếng bố gọi liền chạy tới leo luôn lên lòng bố ngồi. Chỉ chờ bố bắt nhịp là cháu líu lo: "Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha...". Tôi thấy trong hốc mắt sâu hoắm của ông Công hình như là nước mắt...

Theo CAND
Thể loại: Tin trong nước | Lượt xem: 1044 | Người đăng: admin
Tổng số lời bình: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
SUBCRIBE



ĐĂNG NHẬP


TÌM KIẾM


TIN HOT

Trang chủ | Tin tức | Giới thiệu | Liên hệ | Góp ý
Copyright © tiendat.tk 2024
Free website builderuCoz