Bà bị sốc nhiễm trùng nặng, toàn thân nổi những mảng xuất huyết từ đầu đến chân.
Bệnh nhân cho biết cũng không hiểu vì sao mình lại mắc bệnh này. Từ khi dịch lợn tai xanh bùng phát tại Hưng Yên, bà không hề ăn hay giết mổ lợn, có ai cho cũng không dám lấy. Nhà có nuôi một con lợn nái nhưng không hề bị ốm.
Tuy nhiên, 3 ngày trước, trên đường sang ăn giỗ nhà em trai, bà Bé có đứng xem một nhà đang bán chạy đàn lợn bị bệnh. Hai ngày sau bà bị sốt, trên người bắt đầu xuất hiện những mảng xuất huyết dưới da. Ngay tối đó, người ốm được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên.
Đến sáng 25/5, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, xuất huyết dưới da từ đầu đến chân, huyết áp tụt.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa điều trị tích cực của bệnh viện cho biết, bệnh nhân đang được dùng thuốc để nâng huyết áp và uống kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân vẫn chưa ổn định nên vẫn chưa thể tiên lượng được diễn tiến bệnh trong những ngày tới. Hai chân bệnh nhân đang có dấu hiệu tê, đau chân do co thắt mạch, có thể sẽ bị hoại tử.
"Người dân chỉ nên ăn thịt lợn đã được nấu chín. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ. Bệnh liên cẩu khuẩn lợn không chỉ lây qua đường ăn uống mà cả đường hô hấp...”, bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Từ đầu năm đến ngày 21/5, bệnh viện này đã điều trị cho 20 bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn, được chuyển đến trong tình trạng rất nặng. Các bệnh nhân rải rác ở 11 tỉnh, thành (Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên), đều là nam giới, có chăn nuôi lợn hoặc giết mổ lợn.
Liên cầu khuẩn là bệnh lây từ lợn sang người., gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Bệnh không thành dịch, chỉ rải rác quanh năm, nhưng có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.
Khi có biểu hiện sốt cao (40, 41oC), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, suy gan, suy thận; người bệnh nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Theo Express