Với những đồng tiền xu, dây dẫn và nước muối, chúng ta có thể tạo ra dòng điện theo một cách khá đơn giản.
| Những đồng tiền xu của Mỹ. Ảnh: thefuntimesguide.com. |
Giới doanh nhân tận dụng sự biến động giá trị của đồng tiền trên thị trường để thu lợi nhuận, còn Jonathan Keat, một họa sĩ tại Mỹ, nảy ra ý tưởng tạo ra điện từ những đồng xu kim loại. Đồng xu của Trung Quốc và Mỹ đã được Keat chọn trong quá trình nghiên cứu, Livescience đưa tin. Đồng xu của Trung Quốc được đúc bằng nhôm, còn đồng xu của Mỹ được đúc bằng đồng. Hiện tượng ăn mòn trên cả hai đồng xu sẽ xảy ra khi chúng cùng được ngâm trong một chất giàu ion như nước biển. Khi cùng chìm trong nước biển, nhôm bị ăn mòn nhanh hơn đồng nên những ion dương từ nhôm sẽ di chuyển trong nước để sang phía đồng. Các điện tử (electron) cũng di chuyển theo chiều ngược lại (từ đồng sang nhôm) qua những sợi dây kim loại được gắn vào hai đồng xu. Chúng ta đều biết sự di chuyển của electron tạo nên dòng điện. Số lượng đồng xu trong dung dịch càng nhiều thì lượng điện được tạo ra càng lớn. Chính phủ Mỹ đúc khoảng 4 đến 5 tỷ đồng xu mỗi năm. Giống như đồng xu Trung Quốc, đồng xu của Thái Lan, Nhật Bản và Peru cũng được làm bằng nhôm. Với nguyên liệu sản xuất dồi dào như thế, Keat cho rằng ông chỉ cần một mảnh đất nhỏ và lượng nước biển đủ lớn để tạo ra một nhà máy điện cỡ nhỏ. "Nếu muốn sản xuất 6 triệu KW điện, tôi cần khoảng 600 triệu cặp đồng xu nhôm-đồng, một con số nhỏ so với lượng xu mà các nước đúc hàng năm”, Keat phát biểu. Keat khẳng định phương pháp sản xuất điện của ông chẳng những rẻ, đáng tin cậy mà dễ áp dụng vì ngay cả những người biết chút ít về vật lý vẫn có thể thực hiện. "Nhờ phương pháp này, giá trị của tiền được thể hiện bằng con số cụ thể. Chúng ta có thể đo nó bằng Volt (hiệu số điện thế) và Amp (cường độ dòng điện)”, ông nói.
|